Ăn Năn

Chinese – EnglishGermanFrench – JapaneseRomanianRussianSpanish – Vietnamese

Ăn năn là gì?

Kinh Thánh Cựu Ước đổ đầy sự kêu gọi ăn năn. Còn trong Kinh Tân Ước, Tin Lành Vương Quốc Đức Chúa Trời được bắt đầu qua việc Giăng Báp-tít giới thiệu về sự đến thế gian của Đức Chúa Jesus Christ bằng cách kêu gọi mọi người ăn năn (Ma-thi-ơ 3:2). Khi Chúa Jesus và các môn đồ đi ra rao giảng, những lời đầu tiên luôn ở trên môi miệng họ là, “Hãy ăn năn hối cải, vì Vương Quốc Đức Chúa Trời đã đến gần” (Ma-thi-ơ 4:17; Mác 1:15). Ăn năn là nơi mà sự sống trong Đấng Christ Jesus bắt đầu.

Ăn năn là chấm dứt, trong tất cả các vấn đề của cuộc sống mình, việc độc lập không lệ thuộc vào Đức Chúa Trời.

Từ “ăn năn” đã từng được đề cập đến rất nhiều nhưng nó chưa được người ta hiểu đúng, lâu dần nó đã trở thành một từ để “bông đùa”, một từ được dùng cho sự cười cợt và nhạo báng. Tuy nhiên, để tôi nói bạn nghe, người ta không thể nghe thấy một từ nào khác nghiêm trọng hơn. Ăn năn là cửa ngõ độc nhất để đưa bạn đến với Thiên Chúa, đó là cái cửa mà mỗi một linh hồn khi đến thời điểm của mình đều sẽ phải vượt qua, nếu người ấy được ban cho sự sống. Linh hồn nào cho rằng thật buồn cười khi nói đến sự ăn năn, thì sẽ đến lúc người đó phải hối tiếc.

Nhiều người cho rằng ăn năn là sự thay đổi tâm trí của một người – người đó chủ động và quyết tâm từ bỏ hành động phạm tội, đó là một quyết định để cố ngăn chặn sự vi phạm luật pháp của Thiên Chúa. Tất cả những điều này là đúng sự thật. Tuy nhiên, sự ăn năn còn nhiều hơn thế nữa, và chúng ta có thể mô tả theo cách khác để thấy được nó tuyệt vời như thế nào.

Ăn năn là hoàn toàn từ bỏ quyền cá nhân của một người. Đó là sự chấm dứt, trong tất cả các vấn đề của cuộc sống, việc độc lập không lệ thuộc vào Thiên Chúa của một người trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nếu chúng ta tự quản lý cuộc sống của chúng ta và đưa ra quyết định dựa trên mong muốn, sở thích, và sự hiểu biết riêng của mình, chúng ta sẽ không có lòng ăn năn và sẽ tiếp tục sống trong tội lỗi, dù cho cuộc sống chúng ta có gương mẫu hay đạo đức như thế nào chăng nữa. Chỉ khi chúng ta từ bỏ quyền hạn trên chính bản thân mình một cách vô điều kiện và đầu hàng Đức Chúa Trời, chúng ta mới thực sự ăn năn.

Quả thật, chúng ta chưa bao giờ có quyền hoàn toàn với chính bản thân mình. Đó là bởi vì chúng ta đã không bắt nguồn (khởi nguyên) từ chính chúng ta. Chúng ta đã không tạo ra chính mình. Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo ra chúng ta, và do đó chúng ta thuộc về Ngài. Vì chúng ta là của Ngài, Ngài hoàn toàn có thẩm quyền trên chúng ta. Chúng ta không có quyền hạn gì ngoài sự phụ thuộc vào Ngài.

Một số người cho rằng họ đã từng có kinh nghiệm trong ăn năn tội hay sự cứu rỗi, bởi vì họ đã ngã giá với Đức Chúa Trời tương tự như thế này: “Lạy Thiên Chúa, nếu Ngài cứu được tôi ra khỏi đống lộn xộn này, nếu Ngài chữa lành cho tôi, nếu Ngài cứu chuộc tôi, tôi sẽ cống hiến đời sống của tôi để phụng sự Ngài. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì Ngài yêu cầu.” Đó không phải là sự ăn năn đúng nghĩa, nó là một sự mua bán, đổi chác. Đó là một sự chuyển đổi niềm tin giả mạo, một động tác và thái độ của sự công chính đến từ một tội nhân mà người đó hoàn toàn không có khả năng đề nghị bất kỳ loại thỏa thuận hoặc mặc cả nào với Thiên Chúa.

Nếu không có tất cả các yếu tố quan trọng sau đây, sự ăn năn sẽ không được hoàn chỉnh.

Bước đầu tiên của sự chuyển đổi niềm tin trong Chúa đối với một người là sự ăn năn. Vì vậy, làm sao mà người đó lại có thể có được sự tăng trưởng thuộc linh trừ khi người đó đã trải qua bước đầu tiên này để hoàn thành? Chúng ta hãy xem xét bản chất của sự ăn năn thật trước Đức Chúa Trời:

Một thành phần chính của sự ăn năn là chấp nhận hậu quả của tội lỗi mình đã phạm: “Tôi phạm tội. Tôi xứng đáng nhận lấy bất kỳ sự trừng phạt nào của Thiên Chúa trên tôi và tôi sẽ không lẩn tránh nó. Tôi thà có nợ của tôi với Ngài được xóa bôi còn hơn là tôi giả vờ như nó không tồn tại hoặc tôi cố giấu nhẹm nó không để cho ai biết được, ngay cả với những nạn nhân mà tôi đã phạm tội trên họ.”

Nếu không có các yếu tố quan trọng sau đây, sự ăn năn sẽ không hoàn chỉnh. Những yếu tố này là: một, thừa nhận tội, hai, xưng tội (English), ba, thật thà và thẳng thắn về tội lỗi; bốn, thống hối và đau buồn về những thiệt hại, tổn thất mình đã gây ra cho người khác chứ không phải đau buồn vì những hậu quả mình sẽ phải gánh chịu; năm, chấp nhận hoàn toàn những hậu quả của tội lỗi; sáu, có lời xin lỗi và bồi thường đối phương khi có thể, bảy, cam kết điều chỉnh đường lối mình để không bao giờ phạm tội đó một lần nữa; tám, hoàn toàn phụ thuộc, và cậy nhờ vào Đấng Cứu Chuộc mình, Chúa Jesus Christ để Ngài giữ cho mình không bao giờ phạm tội nữa.

Nếu bỏ đi bất kỳ một trong tám yếu tố trên sẽ không có một sự ăn năn thật, được thúc đẩy bởi Thiên Chúa.

Hãy cân nhắc rằng tám yếu tố này chỉ là bước khởi đầu của đời sống đức tin trong Chúa, và những yếu tố này đi cùng với nhau như các bộ phận của một cơ thể không thể tách rời nhau. Vì một cơ thể vật lý không hoạt động rời rạc nhau, nhưng như một tổ chức thống nhất, cũng vậy, sự ăn năn đích thực không được tạo thành bởi những phần, đoạn tách biệt nhau. Nếu người hàng xóm của bạn đến thăm bạn, anh ấy sẽ không đến từ nhiều mảnh rời rạc, mà anh ấy sẽ đến trong một cơ thể nguyên vẹn.

Chúng ta biết rằng sự ăn năn không thể được ngụy tạo hoặc ép buộc trên bất cứ một ai. Các yếu tố mà chúng tôi đề cập đến ở đây là các dấu hiệu cho thấy hoặc minh chứng rằng có một sự ăn năn thật.

Ăn năn là khi bạn hoàn toàn đầu hàng Đức Chúa Trời.

Sự ăn năn hối cải chân thật là sự thừa nhận từ đáy lòng rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng Bảo Tồn, và Đấng Cai Trị Hợp Pháp trên tất cả các tạo vật của Ngài. Ăn năn thật là sự thú nhận không chỉ bằng môi lưỡi nhất thời, mà nó còn được biểu hiện trên suốt đời sống một người, rằng Đức Chúa Jesus Christ là Chúa của muôn loài vạn vật.

Chúng ta không là sở hữu chủ bản thân mình để có thể hành động tùy tiện theo ý muốn riêng. Ăn năn thật là thừa nhận, không phải chỉ bằng môi miệng, không phải chỉ bằng trí óc, nhưng lòng chúng ta luôn thừa nhận rằng chúng ta không là sở hữu chủ chính mình, chúng ta thuộc về Ngài, đó mới là sự ăn năn. Khi ở trong sự ăn năn chúng ta thừa nhận rằng bấy lâu nay mình luôn là của Ngài, kể cả mọi thứ chúng ta đang nắm giữ, và điều đó bắt đầu không phải là từ thời điểm này, nhưng từ thời điểm chúng ta bắt đầu tồn tại, đó là sự ăn năn.

Khi bạn có thể nói thật lòng, “Không phải ý con, nhưng xin ý Chúa được thực hiện”, đó là sự ăn năn. Thay vì nói (được phản ảnh rõ qua lối sống và thái độ của chúng ta) rằng, “Ngài sẽ không được bảo tôi phải làm cái gì,” mà ngôn từ đó sẽ được bày tỏ rằng, “Ngài là Chúa, Chúa của con. Tất cả những gì con có là của Ngài. Chưa bao giờ nó là của con, cũng sẽ không bao giờ nó hoàn toàn là của con. Nguyện xin đời sống con được theo ý Chúa, bất kỳ cách nào Ngài muốn, cho dù con có thích điều đó hay không, muốn nó hay không, chọn nó hay không.”

Ăn năn không phải là một vấn đề tôn giáo. Nó không phải là một vấn đề về việc lựa chọn một lối sống. Nó không phải là một vấn đề về việc chấp nhận một hay hàng loạt các giáo lý. Nó không phải là vấn đề “đi nhà thờ” hay đi dự hội thảo hay đi học trường Kinh Thánh. Ăn năn là khi bạn hoàn toàn đầu hàng Đức Chúa Trời.

Ăn năn không phải là sự bộc lộ hay biểu diễn thuộc bất kỳ hình thức nào với người khác. Nó không phải là một sự phô trương về hình mẫu của đạo đức, hoặc sự khiêm tốn hoặc chủ nghĩa anh hùng. Nó không phải là vấn đề quyết định là tin kính hay thánh thiện. Nó không phải là vấn đề của sự khổ hạnh (một người tự làm đau đớn hoặc sống khổ hạnh). Nó không phải là vấn đề của sự cam kết theo mức độ nào đó hay hàng loạt công việc tốt tôn giáo mà một người cần phải làm. Nó không phải là vấn đề người tin sẽ hoàn toàn hy sinh bản thân ở mức cao nhất nếu cần.

Ăn năn là hoàn toàn kiềm chế sự phụ thuộc bằng bất kỳ cách nào trên quyền lực của mình hoặc khả năng mình mà thay vào đó là sự đầu hàng cho Đức Chúa Trời, và hoàn toàn tin cậy Chúa và phó thác tất cả mọi sự cho Ngài. Ăn năn là chuyển hướng thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân, để phụ thuộc vào Chúa và tin cậy nơi kế hoạch Ngài cho đời sống mình.

Ăn năn là một sự đầu hàng của cơ thể, linh hồn và tâm linh cho Đức Chúa Trời. Đó là sự thừa nhận rằng Ngài là Chúa của tất cả, rằng Ngài cai quản mọi sự, và trừ khi Ngài muốn bất cứ điều gì đến với cuộc sống của chúng ta, nếu không thì nó sẽ không xảy ra.

Ăn năn là khi một người nhìn nhận tất cả sự tồn tại trong vũ trụ như cách Đức Chúa Trời nhìn thấy. Đó là sự nhận biết rằng Thiên Chúa đang chủ động và định đoạt tất cả mọi sự, và thuận phục với cái cách Ngài xét đoán sự việc và có hành động của Ngài trên tất cả muôn vật cho dù nó như thế nào.

Chỉ có hai cách để xét về một sự tồn tại. Loài người đang kiểm soát hay Đức Chúa Trời đang kiểm soát. Loài người tin rằng hoặc họ có quyền và khả năng để xác định vận mệnh của mình hoặc Đức Chúa Trời có quyền và khả năng xác định tất cả mọi thứ liên quan đến và xảy đến cho họ.

Chỉ có hai loại người trên thế giới này, “hữu thần” và “vô thần”. Không có sự nửa vời ở đây. Bạn hoặc đang ủng hộ hoặc chống lại Đức Chúa Trời.

Vâng, có lời chép rằng ma quỷ tin có một Thiên Chúa, và run rẩy. Tuy nhiên, Chúa Jesus phán với kẻ thù (người tôn giáo) của Ngài rằng họ thuộc về cha họ là ma quỷ, và họ không phải là những người tin. Ma quỷ tuyên xưng niềm tin, và chúng nó thực sự tin, chúng biết có Đức Chúa Trời Toàn Năng, nhưng chỉ tin như vậy là không đủ. Niềm tin chân chính bao gồm tình yêu thương và sự vâng lời. Một người vô thần có bao giờ yêu thương và vâng lời không?

Đó là niềm tin rằng Thiên Chúa là Đức Chúa Trời của tất cả muôn vật và trên tất cả mọi sự.

Một người hoặc tự tôn mình làm trung tâm hoặc đặt Thiên Chúa làm trung tâm. Ăn năn là khi một người quyết định mãi mãi sẽ từ bỏ ngai vàng, vương trượng và vinh quang của đời sống mình cho Chúa một cách vô điều kiện. Chỉ có những người tin bằng cả tấm lòng mới tin cậy và vâng lời Chúa, và chỉ có Chúa mới có thể thay đổi tấm lòng một người và làm cho đức tin nảy nở trong người đó. Nếu chỉ dựa vào khả năng loài người chúng ta, đó là điều không tưởng.

Ăn năn là phải chấp nhận rằng cách chúng ta nhìn nhận vấn đề có thể sai, dù cho vấn đề đó trông có vẻ là đúng như thế nào chăng nữa. Đó là sẵn sàng, bằng bất cứ giá nào, để nhìn nhận rằng chúng ta sai cho dù chúng ta đã được thuyết phục là đúng.

Ăn năn là một cú nhảy từ vách đá và rơi xuống tự do, biết rằng sự diệt vong là chắc chắn ở phía cuối, nếu như Đức Chúa Trời không can thiệp hay làm cho bạn sống lại từ cõi chết.

Ăn năn là nhìn nhận rằng trừ khi Thiên Chúa thực hiện một sự việc, nếu không nó sẽ không được thực hiện. Đó là niềm tin rằng Thiên Chúa là Đức Chúa Trời của tất cả muôn vật và trên tất cả mọi sự. Ăn năn là sự vận hành của đức tin đang chuyển động trong bạn.

Chúng ta tưởng rằng mình hiểu biết nhiều, nhưng chúng ta biết rất ít. Càng có thêm sự hiểu biết, chúng ta thấy mình vẫn chưa đi đến cái gọi là hiểu biết, cho đến một ngày, chúng ta biết tất cả, và chúng ta vẫn không biết gì.

Ăn năn là điều không dễ thực hiện! Hiện không có một con người nào trên trái đất là người có khả năng ăn năn, và chưa từng có một ai bao giờ. Kể từ khi Ê-va bị lừa dối và A-đam cùng tham dự vào việc ăn trái cấm với bà ấy, loài người đã trở thành nô lệ cho việc chỉ làm việc mình muốn làm. Con người tự nhốt mình trong một cái hầm nội bất xuất ngoại bất nhập, để gìn giữ tất cả mọi thứ trong kho báu của mình, và anh ta đã ném mất cái chìa khóa cửa. Hy vọng của anh ta đã tan biến trong cái ngày mà anh ta bất tuân và đánh cắp chính mình từ Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa đã không đến và mở cửa kho, con người sẽ bị hư mất. Loài người không có cách nào để có thể thay đổi bản thân hay tình cảnh của mình.

Con người không chỉ bị xiềng xích và không có bất kỳ khả năng nào để chuộc mua lại bản thân mình hay anh ta có thể làm đảo ngược sự bất tuân của mình; con người cũng bị xiềng trong niềm tin và hy vọng sai lầm của mình, rằng anh ta có thể tự cứu mình. Con người đã cố cào mạnh bằng các móng tay của mình để chống lại bức tường thép vững chắc dày 12-bộ của cái hầm, con người cũng đã thử đập đầu của mình vào bức tường, và vừa dùng chân đá vừa chửi rủa nó. Anh ta cũng đã cố gắng để nghĩ ra mọi cách có thể để thoát ra, nhưng mọi nỗ lực đều hoàn toàn vô dụng.

Con người cũng cố gắng thương lượng với Chủ kho báu. Anh ta đã ngã giá, lý luận, và lập luận với Ngài; anh ta cầu xin, vuốt ve, và ngay cả hét to với Chủ sở hữu cái kho. Anh ta đã hứa sẽ sống tốt đẹp, giả vờ yêu thương, dâng sinh tế, đảm bảo thanh toán tất cả các thiệt hại và sẽ thưởng cho Chủ kho nếu Ngài sẽ chỉ lắng nghe anh ta, nhìn thấy nó theo cách của anh ta, và ủng hộ hoặc lấy làm vui về suy nghĩ và ý tưởng của anh ta. Con người lý giải rằng tự nhốt mình trong hầm không phải là lỗi của mình, rằng đó là một sai lầm, và rằng anh ta sẽ không bao giờ làm điều đó một lần nữa nếu như anh ta có thêm một cơ hội khác. Anh ta cũng lập luận rằng nếu Chủ kho báu trợ giúp anh ta một phần, hoặc thậm chí cho anh ta có đủ thời gian, anh ta sẽ tự tìm được lối ra.

Ăn năn tuyệt đối là một món quà của Chúa ban cho chúng ta, những kẻ không xứng đáng.

Sẽ đến lúc khi người tù nhân phải nhận ra rằng tất cả chỉ là vô vọng, rằng anh ta, do lỗi của chính mình, đã tự giam mình ở trong, và Chủ sở hữu kho báu thực sự không cần anh ta vì bất kỳ nhân đức nào của anh ta, và rằng anh ta không có quyền lực gì để xóa bỏ hành động đã phạm tội của mình để bây giờ anh ta phải ở trong tình cảnh như thế này. Con người phải trở về nơi mà ở đó anh ta hoàn toàn phụ thuộc trên sự phán xét, lòng thương xót, và thiện chí của Chủ Sở Hữu. Anh ta phải công nhận rằng Chủ sở hữu không có nghĩa vụ với anh ta trong bất kỳ cách nào, bất cứ lúc nào, trừ khi Ngài sẽ chọn để bắt buộc chính Ngài. Đó là sự ăn năn.

Ăn năn tuyệt đối là một món quà của Chúa, ban cho chúng ta, những kẻ không xứng đáng. Nó không bắt nguồn từ người hối lỗi. Nếu một người kinh nghiệm sự ăn năn thật, đó chắc chắn là vì Thiên Chúa đã ban cho người đó món quà tặng quý giá nhất. Chúa đã mở cửa kho một cách tự nguyện, vào thời điểm chọn lựa của Ngài, hoàn toàn không do có sự ngã giá và trao đổi thương mại.

Không có ánh sáng trong hầm kho báu. Chỉ có bóng tối dầy đặt ở bên trong. Đây là sự xiềng xích thứ ba. Con người, tuy nhiên, đã trở nên khá quen thuộc với điều kiện môi trường bên trong kho báu. Anh ta dần dần quên rằng mình đang ở trong một nơi giam cầm, anh cũng không trông mong có sự lựa chọn nào khác. Anh ta đã dần quen và thấy thoải mái ở nơi không có ánh sáng, nước và thực phẩm. Anh ta đã trở thành một sinh vật của bóng tối; hài lòng, nhưng không hẳn là mãn nguyện, đầy đủ, nhưng vẫn đói khát, thoải mái, nhưng không ngừng làm việc, có đôi mắt, nhưng mù, có đôi tai, nhưng điếc; Trong đầu anh ta luôn cho rằng mình biết nhiều điều, nhưng anh ta không thực có sự hiểu biết. Bóng tối dày đặt này là chuỗi dây xích thứ ba.

Chúa Jesus Christ là Ánh Sáng duy nhất, và chỉ một mình Ngài cầm giữ các chìa khóa của sự chết và địa ngục. Hầm kho báu là sự chết và địa ngục, không có lối thoát ra từ nơi đó ngoại trừ sự giải cứu đến từ Ngài. Ngài Chủ sở hữu kho báu. Ngài có các chìa khóa. Ngài là hy vọng duy nhất và chắc chắn của thế giới. Ngài là Chìa Khóa dẫn đến lối thoát. Sự kết hợp của ổ khóa và sự an toàn là sự chết, chôn cất, và sự sống lại. Chúa Jesus Christ đã thực hiện tất cả những điều đó, và dẫn đường cho chúng ta đi theo Ngài vào trong cùng một cái chết, chôn cất, và sự sống lại. Không có cách nào khác.

Sự ăn năn thật sâu sắc hơn nhiều chứ không phải chỉ là sự thay đổi về bên ngoài. Đó là sự khởi đầu của một quá trình chuyển đổi từ bóng tối ra ánh sáng, từ thù hằn đến tình yêu thương, từ sự thiếu hiểu biết đi đến kiến thức, từ địa ngục đi đến Thiên Đàng, từ cái chết đi đến sự sống.

Cánh cửa nhà tù sẽ được mở ra khi Đức Chúa Trời quyết định, và con người sẽ được tự do để đi ra ngoài và sống. Anh ta sẽ có ánh sáng để có thể nhìn thấy sự bó buộc và bóng tối bên trong kho báu ngày nào, hoàn toàn trái ngược với không gian mới rộng mở. Anh ta sẽ có đồ ăn thức uống và tự do đến và đi và anh sẽ cảm thấy rất biết ơn. Anh sẽ không còn tin tưởng vào bản thân mình; anh ta sẽ tin tưởng vào Đức Chúa Trời thông qua Chúa Jesus Christ, là Đức Chúa Con (Ngài đã sống lại từ cõi chết) duy nhất, bởi quyền năng của sự sống lại. Cuộc sống của anh ta sẽ chỉ mới bắt đầu, và Chúa Jesus Christ sẽ là lý do để sống của anh. Đó là sự ăn năn; không có hình thức nào khác.

Sự ăn năn là giai đoạn mở đầu của sự hòa giải với Đức Chúa Trời.

Sự ăn năn chân thật là sự nhìn nhận rằng Vương Quốc Đức Chúa Trời ngự trị tối cao trên tất cả vạn vật và mọi sự đều được định đoạt từ trên cao.

Sau sự ăn năn là khởi đầu của quyền năng để người tin có thể xác định được điều đúng và sai.

Sau sự ăn năn là khởi đầu của sự sống, hy vọng, bình an, sự vui mừng, tình yêu thương, sự hiểu biết, sự công chính đích thực, mục đích, và định hướng sống. Có lời chép rằng:

“Kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu tri thức, còn kẻ ngu muội xem thường sự khôn ngoan và lời khuyên dạy.” (Châm ngôn 1:7 RVV11)

Sự ăn năn là giai đoạn mở đầu của sự hòa giải với Thiên Chúa. Đó là sự chuẩn bị để một người được nhận lãnh Thánh Linh của Ngài. Sau sự ăn năn và vào đúng thời hạn đã định, Đức Chúa Trời sẽ đến ngự ở trong người tin. Một công trình khác sẽ bắt đầu sau đó, công trình này cũng lớn lao như, hoặc thậm chí là lớn hơn trải nghiệm trước đó, cho đến khi linh hồn biết ăn năn hối cải được bước vào sự an nghỉ, đó là giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn cuối cùng. Nói về giai đoạn, không gian, hay lĩnh vực đó, Kinh Thánh viết:

“Người nào thắng sẽ được mặc áo trắng như vậy; Ta sẽ không xóa tên người ấy khỏi sách sự sống, và sẽ công bố tên người ấy trước mặt Cha Ta và trước mặt các thiên sứ của Ngài.” (Khải Huyền 3:5 RVV11)

Và:

“Người nào thắng, Ta sẽ cho làm cột trụ trong đền thờ của Đức Chúa Trời Ta, và người ấy sẽ không ra khỏi đó nữa. Ta sẽ viết trên người ấy Danh của Đức Chúa Trời Ta, và danh của thành Đức Chúa Trời Ta, là Giê-ru-sa-lem mới ở trên trời [Thiên Đàng], từ Đức Chúa Trời mà xuống, và viết Danh mới của Ta.” (Khải Huyền 3:12 RVV11)

Sự ăn năn đem một linh hồn ra khỏi những khu ổ chuột và gia nhập vào khu phố sang trọng, anh ta sẽ rời xa những con hẻm nhỏ, nơi linh hồn đó từng lục tung rác rưởi để ăn ngày nào, và bước vào một cung điện ăn uống xa hoa.

Cảnh báo, tuy nhiên, bạn cần phải tính trước mọi chi phí. Đừng nghe lời của các lang băm, và giáo sư giả là những người chuyên thu thập linh hồn cho vương quốc của con người mang Danh Chúa Jesus Christ, họ kinh doanh tôn giáo như là hàng hóa thương mại. Họ có mặt ở khắp mọi nơi, giả vờ phục vụ Thiên Chúa, họ cho rằng họ được Ngài mặc khải, rằng họ là những người chăn chiên của Chúa, rằng họ yêu thương bạn (họ có thể rất chân thành), nhưng họ chỉ tìm kiếm lợi lộc riêng cho mình. Sự hối cải chân thật không phải giống như là một chuyến đi chơi vui vẻ rồi vào được Thiên Đàng. Mà bạn thậm chí sẽ phải đánh đổi bằng cả cuộc sống mình để đến được với sự ăn năn đúng nghĩa. Nói về sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba, có lời viết rằng họ đã:

“… làm vững lòng các môn đồ, khích lệ họ giữ vững đức tin, và bảo rằng chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian lao mới vào được Vương Quốc Đức Chúa Trời.” (Công Vụ CSĐ 14:22 RVV11)

Hãy coi chừng sự giả mạo, và những kẻ bắt chước môn đồ thật.

Để tránh việc một người nào đó nghĩ sai, môn đồ không phải là cách gọi đặc biệt giữa những người tin Đấng Christ. Môn đồ là một người thuộc về Đấng Christ, và người tin Đấng Christ là một môn đồ. Nếu một người không phải là môn đồ, người đó không thuộc Đấng Christ, và ngược lại. Người thuộc về Đấng Christ là một người đã trải qua kinh nghiệm ăn năn tội như tôi định nghĩa ở đây, Kinh Thánh dạy rằng anh ta sẽ yêu thương các môn đồ chân chính, những người thuộc về Đấng Christ, là những người biết ăn năn hối lỗi.

Phao-lô cũng đã viết cho Ti-mô-thê, nói rằng:

“Thật, tất cả những người muốn sống cuộc đời tin kính trong Đấng Christ Jesus đều sẽ bị bắt bớ.” (2 Ti-mô-thê 3:12)

Hãy coi chừng sự giả mạo, và những sự bắt chước. Có khá nhiều những sự ăn năn rẻ tiền và tự chọn theo ý thích trên thế giới và người quy đạo không cần phải trả giá gì để đánh đổi được nó. Lời thú tội mang Danh Chúa Jesus Christ bằng môi miệng (“nhận Chúa Jesus vào lòng mình như là Cứu Chúa” – English) cùng với việc trở thành hội viên nhà thờ và thường xuyên đi nhà thờ là một thông điệp giả mạo, lừa đảo và phổ biến nhất về sự cứu rỗi đang được rao giảng rộng khắp.

Trong khi họ cũng có giảng sự thật rằng Chúa Jesus Christ là Đấng Cứu Rỗi, nhưng chỉ thừa nhận điều này mà thôi thì một người chưa có được sự cứu rỗi, mà sự tương giao với những người tin mới là quan trọng và cần thiết, và Chúa Jesus Christ sẽ đến ngự trong người tin biết ăn năn hối lỗi nếu người đó tiếp tục trong sự ăn năn để được nhận lãnh Thánh Linh Chúa. Người ta đã dạy không đúng với lẽ thật rằng thật dễ dàng, đơn giản và nhanh chóng và sau khi quy đạo thì sự cứu rỗi hoàn toàn được thực hiện trên người tin. Chúa Jesus tuyên bố:

“Sau đó, Ngài gọi dân chúng và các môn đồ đến và nói: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta.” (Mác 8:34 RVV11)

Đừng mắc sai lầm nghiêm trọng. Sự cứu rỗi thật là quà tặng đến từ Đức Chúa Trời, nhưng bạn sẽ phải trả giá để có được điều đó, thậm chí là đời sống của bạn. Chúa Jesus phán:

“Ai trong các ngươi muốn xây một cái tháp mà trước hết không ngồi tính phí tổn để biết mình có đủ tiền hoàn thành nó chăng? Nếu không, khi đã xây nền rồi mà lại không làm xong được, thì mọi người thấy, chê cười, và nói rằng: ‘Người nầy khởi công xây cất mà không thể hoàn tất được!’” (Lu-ca 14:28-30 VI1934)

Cũng có lời chép:

“Đức Chúa Jesus đáp: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu.” Ngài phán với một người khác: “Hãy theo Ta.” Nhưng người ấy thưa: “Lạy Chúa, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” Nhưng Đức Chúa Jesus phán: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ; còn ngươi, hãy đi và rao giảng Vương Quốc Đức Chúa Trời.” Một người khác nữa thưa: “Lạy Chúa, con sẽ theo Chúa, nhưng xin cho phép con về từ giã người nhà trước đã.” Đức Chúa Jesus đáp: “Ai đã cầm cày mà còn nhìn lại đằng sau, thì không xứng hợp với Vương Quốc Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 9:58-62 VI1934)

Tất cả các khía cạnh hay các yếu tố của sự ăn năn này đòi hỏi sự vận hành của ân điển và sự mặc khải đến từ Chúa.

Có bốn khía cạnh trong sự ăn năn:

  1. Ăn năn tội lỗi trong quá khứ. Là sự đau buồn và thoái thác về hành vi trong quá khứ và những đường lối trái nghịch với Luật Pháp của Đức Chúa Trời, và phổ biến nhất là những gì mọi người thường liên tưởng khi nói về sự ăn năn.
  2. Ăn năn tội lỗi trong hiện tại. Là sự thừa nhận tội lỗi và ăn năn tội mà mình phạm phải ở thời điểm hiện tại. Đây cũng được coi là sự ăn năn. Tuy nhiên, còn nhiều hơn thế nữa.
  3. Tha thứ tất cả mọi người cho bất kỳ và tất cả các sự xúc phạm nào, thiệt hại về thực tế hay về cảm xúc, quá khứ và hiện tại. Sẽ không có sự tha thứ từ Thiên Chúa cho người không tha thứ. Sự tha thứ là một yếu tố quan trọng của sự ăn năn. Một người không tha thứ thì sẽ không ăn năn.“Nếu các con tha lỗi cho người ta, thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho các con. Nhưng nếu các con không tha lỗi cho người ta, thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ không tha thứ cho các con.” (Ma-thi-ơ 6:14-15)Đây là sự mặc khải đến từ Chúa. Khía cạnh của sự ăn năn được đề cập ở trên hiếm khi được các giáo hội nói đến. Trong khi nó là điều cốt lõi của sự ăn năn:
  4. Một sự thay đổi về ý thức hay thái độ đối với tất cả những gì mà người khác đã gây nên cho bạn và đã dạy dỗ bạn cách sai lạc, và điều đó đã ảnh hưởng đến sự tự hào hay ý thức của bạn, nhưng điều đó là không tốt về sau, mặc dù nó có vẻ mang lại ích lợi hay ít nhất là vô hại.Ví dụ, một người mẹ có thể làm chậm sự trưởng thành của đứa con của mình, bằng cách cho con tất cả sự chú ý mà nó muốn, và hào phóng khen ngợi nó. Do đó, đứa trẻ này có thể lớn lên tự cho mình là quan trọng một cách bất thường, luôn trông mong sự ngợi khen và vinh danh của người khác, không có tính cầu tiến. Tình cảm của người mẹ có thể dường như rất hợp lý. Tóm lại, một người mẹ có nên yêu thương và khích lệ đứa con của mình không? Nhiều người cũng nghĩ rằng đó là vinh dự để tự hào hay khi có một cái tôi được thổi phồng mà nó còn được gọi một cách sai lạc là lòng tự trọng hay sự tự tin.Một người phải từ bỏ các hình thức không tin kính trong thái độ và hành vi mình, và những niềm vui thú mà mình dự phần vào, hiện tại cũng như trong quá khứ, và nhận ra chúng theo đúng nghĩa của nó. “Rằng những gì được con người đánh giá cao là ghê tởm với Thiên Chúa,” Chúa Jesus phán. Điều này chỉ có thể xảy ra khi những người được chọn để đi đến sự ăn năn được dạy để có lối sống, quan điểm và thái độ đúng đắn.

Tất cả các khía cạnh hay các yếu tố của sự ăn năn này đòi hỏi công việc (sự vận hành) của ân điển và sự mặc khải của Chúa Vạn Quân. Không ai có thể thực hiện các bước này bằng khả năng của riêng mình:

“Vì Đức Chúa Trời là Đấng đang hành động trong anh em, để anh em vừa muốn vừa làm theo ý chỉ tốt đẹp của Ngài.” (Phi-líp 2:13 RVV11)

Victor Hafichuk

Bấm vào ĐÂY để xem các bài viết tiếng Việt.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Newest
Oldest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments

Provide your email if you would like to receive periodic correspondence from us.



0
You can leave a comment herex
()
x